Việc đặt tên con được xem là “nỗi trăn trở nặng ký” mà các bậc làm cha làm mẹ luôn canh cánh trong lòng.
Xung quanh hàng trăm nỗi lo mà các ông bố bà mẹ phải đối mặt trước và sau thời điểm chính thức có con, thì việc đặt tên con trẻ được xem là “nỗi trăn trở nặng ký” mà các bậc làm cha làm mẹ luôn canh cánh trong lòng, bởi họ quan niệm “cái tên nói lên số phận”.
Ngàn lẻ một cách đặt tên
Tên của bất kỳ một ai dù xấu, dù đẹp cũng đều mang một ý nghĩa nhất định và luôn ẩn chứa trong nó sự ngọt ngào, yêu thương cùng mọi điều tốt đẹp nhất mà cả cuộc đời bố mẹ muốn gửi trao. Do đó, mỗi cái tên không chỉ gắn liền với cuộc đời của mỗi con người mà nó còn là nơi gửi gắm những khát vọng, lưu giữ những hồi ức đặc biệt của cha mẹ. Chẳng hạn, các cặp vợ chồng thường lấy những sự kiện gắn liền với những kỷ niệm ngọt ngào giữa 2 người để đặt tên cho con, như trường hợp của anh Ninh là một ví dụ. Hai vợ chồng anh đã tình cờ quen nhau tại lễ hội hoa Đà Lạt, và cành hoa đầu tiên anh tặng chị để làm quen chính là cái tên mà anh quyết định cho cô công chúa nhỏ của mình, Tường Vy.
Bên cạnh những cái tên chứa đựng bao ký ức ngọt ngào của cha mẹ, các bậc cha mẹ còn đặt tên con theo thần tượng của mình. Chẳng hạn như tên của bé Quỳnh Dao. Vì cha của bé rất mê tiểu thuyết của nữ sĩ Quỳnh Dao, nên ông quyết định thể hiện sự ngưỡng mộ của mình bằng cách lấy tên của thần tượng đặt cho con gái.
Ngoài ra cũng có rất nhiều trường hợp, vì mưu sinh phải sống nơi đất khách quê người, và để vơi đi cảm giác lạc lõng, thể hiện ân tình với quê hương, đồng thời muốn nhắc nhở con cháu không quên quê cha đất tổ, các ông bố bà mẹ đã lấy tên địa danh quê hương mình đặt cho con hoặc ghép chữ đầu hoặc cuối của quê vợ với quê chồng thành tên con. Đơn cử như tên của bé An Bình, Q. 2, TP.HCM. Tên của bé được ghép bởi chữ “An” - Nghệ An quê hương cha và chữ “Bình” – Bình Định quê hương mẹ.
Liệu con bạn có thích tên của mình khi lớn lên? (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bên cạnh tìm cho con một cái tên có ý nghĩa, các bậc cha mẹ vẫn luôn hướng đến “cái mỹ” để nghe sao cho vừa hay lại vừa toát lên cái thần của nó.
Và để bàn đến cái “mỹ” thì lại vô biên, bởi mỗi người có mỗi quan điểm và gu thẩm mỹ khác nhau. Người thì thích tên hay, ý nghĩa nhưng phải ngắn gọn, người thì lại thích tên con mình dài và ấn tượng.
Ngày nay, đa số các bậc cha mẹ thường kết hợp họ và họ mẹ để đặt tên cho con, với mong muốn thắt chặt hơn sợi dây yêu thương giữa các thành viên gia đình.
Thế nhưng dù tên có hay và ý nghĩa đến mấy đi chăng nữa, nếu nó không được đặt đúng đối tượng thì rất khó để phát huy được sức mạnh và cái “mỹ” ẩn chứa trong nó. Nói như vậy để thấy, nam giới và nữ giới luôn tồn tại những quy tắc đặt tên bất thành văn, bởi chỉ cần thông qua cái tên người ta có thể nhận dạng được chủ nhân của nó là nam hay nữ.
Khi đặt tên cho con trai, cha mẹ thường nghiêng về những tố chất, phẩm chất thiên phú như cường tráng, mạnh mẻ, nam tính, hùng dũng,…
Ngược lại, khi đặt tên cho con gái, cha mẹ thường có xu hướng chọn những mỹ từ thể hiện sự thanh thoát, toát lên sự dịu dàng, đằm thắm, nữ tính như tên của các loài hoa, hoặc những cái tên nghe thật kiêu sa, quý phái như những vật quý dùng để làm trang sức đẹp mà ai cũng hằng ao ước sở hữu, hoặc những cái tên thể hiện những phẩm chất vốn có của người phụ nữ - công, dung, ngôn, hạnh.
Nên cân nhắc kỹ trước khi đặt tên cho con cái. (ảnh minh họa)
“Lên bờ xuống ruộng" chỉ vì tên con
Với quan niệm cái tên ứng với vận mạng của mỗi người. Vì vậy, nhiều cha mẹ, nội, ngoại 2 bên đã tốn không ít thời gian, công sức cho nỗi trăn trở tìm ra một cái tên vừa đẹp lại vừa mang lại may mắn cho con cháu mình. Tuy nhiên, không phải nỗi “trăn trở” nào cũng diễn ra trong bình yên và hạnh phúc, vì trên thực tế, có không ít mâu thuẫn trong gia đình đã phát sinh từ chuyện đặt tên cho con cho cháu.
Có những cặp vợ chồng chỉ vì bất đồng quan điểm sống nên việc thống nhất và “niêm yết” một cái tên chính thức cho con cũng “trần ai khoai củ” chứ không hề đơn giản. Có lúc các ông bố bà mẹ phải trải qua bao cuộc “chiến tranh lạnh” thì tên con mới được “ra lò” trong nụ cười mãn nguyện của cả 2 bên. Như trường hợp của gia đình anh Hải, Vũng Tàu, anh thuộc tuýp người hướng nội, vợ anh thì lại “sính ngoại”, vì vậy, khi đứa con gái đầu lòng ra đời chị một mực đặt tên con là Angela Trần, chị cho rằng tên tây nghe nó sang lại ấn tượng nữa, trong khi đó anh Hải lại nhất quyết đặt tên con là Họa Mi vì anh muốn con mình xinh xắn, vui tươi, líu lo như những chú chim Họa Mi mỗi sớm, đồng thời phản bác ý kiến của vợ với lập luận “người Việt nói tiếng Việt”. Sau nhiều tuần tranh luận bất thành, anh chị chuyển sang “chiến tranh lạnh”… mãi cho đến khi ông bà nội ngoại tham gia hòa giải và đưa ra phương án đẹp lòng đôi bên thì cuộc chiến mới khép lại, từ đấy, công chúa đầu lòng của vợ chồng anh Hải chính thức sở hữu 2 tên – trong khai sinh là Họa Mi, còn tên gọi ở nhà là Angela.
Ngày nay, hầu hết bà mẹ nào khi mang thai cũng đều vắt óc “săn lùng” cho con mình cái tên thật đẹp để đợi ngày con ra đời tuyên bố với bà con cô bác trong sự hãnh diện và sung sướng. Nhưng không phải ai cũng được hưởng niềm vui tưởng chừng như đơn giản đó, đơn cử như trường hợp của chị Thục Hiền. Sau bao tháng ấm ủ, suy nghĩ và thật hài lòng khi tìm được cái tên mĩ miều dành cho con gái cưng của mình. Nhưng vì nghe các cụ nói người ta kiêng đặt tên sớm nên chị quyết định sau 1 tháng bé ra đời thì vợ chồng chị sẽ công bố tên chính thức. Nhưng có nào ngờ, ông nội của bé cũng đã ấp ủ cho cháu một cái tên như sở nguyện của ông và công bố trước dòng tộc. Không thể cãi lời bố nhưng phải bỏ đi cái tên vốn tâm huyết đã khiến chị Thục Hiền cảm thấy ấm ức để rồi tình cảm của chị dành cho nhà chồng cứ vơi theo năm tháng…Và cũng kể từ đó, chị luôn cảm thấy mình thấp bé, không có tiếng nói trong gia đình…chị nghĩ, giá như cha chồng hỏi ý kiến chị thế nào hay thậm chị thông báo cho chị biết trước thì chị vẫn cảm thấy hạnh phúc, không một chút muộn phiền…
Sự đồng thuận luôn cần thiết trong mọi việc của gia đình. (ảnh minh họa)
Tôn trọng lẫn nhau – chìa khóa vàng cho mọi mâu thuẫn
Trước đây, tên con cháu thường do ông bà đặt, nhất là ông bà nội. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ hiện đại đã ý thức được cho mình quyền lợi đặc biệt này. Chính vì vậy, có rất nhiều mâu thuẫn, xung đột xảy ra khi họ có cảm giác bị tước mất quyền đặt tên con. Ngược lại, ông bà lại cảm thấy bị coi thường hay muộn phiền khi những đề xuất, gợi ý về việc đặt tên cho cháu bị con chấp nhận…Thế là mâu thuẫn không đáng có hình thành.
Thay vì cùng nhau hưởng trọn niềm vui chào đón thành viên bé nhỏ chào đời, người lớn lại lục đục vì những cuộc tranh luận về tên…Tại sao mọi người không ngồi lại, lắng nghe ý kiến của nhau, trao đổi một cách chân tình và trong cuộc thảo luận ý kiến này, ông bà nên đóng vai trò là người tư vấn chứ không nên áp đặt. Trong khi đó các bậc cha mẹ nên tôn trọng và lắng nghe ý kiến của ông bà. Nếu sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng mà vẫn giữ vững lập trường thì các bậc cha mẹ nên khéo léo giải thích cho ông bà lý do của sự chọn lựa này.
Trong bất kỳ tình huống nào, nếu người trong cuộc biết dùng cách lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau thì mọi khúc mắc sẽ luôn được tháo gỡ, mâu thuẫn theo đó cũng không còn “đất” để ngự trị trong bất cứ mối quan hệ nào.
Theo Mymy (Marrybaby)
0 comments:
Post a Comment